Những vitamin và khoáng chất giúp tăng khả năng miễn dịch

Thuỷ Tiên
Th 5 27/07/2023

Vitamin và chất khoáng chỉ chiếm một lượng rất nhỏ nhưng có vai trò rất quan trọng trong cơ thể. Nếu bạn thiếu các chất này có thể dẫn tới một số bệnh lý và giảm khả năng miễn dịch. Cùng Phước Thành tìm hiểu thêm về các vitamin và khoáng chất này nhé!

Vai trò của các khoáng chất và vitamin tăng đề kháng

Vai trò của vitamin tăng sức đề kháng nổi bật là các vitamin tan trong chất béo (vitamin A, vitamin D và vitamin E) và vitamin tan trong nước (vitamin nhóm B, vitamin C). Các khoáng chất tăng khả năng miễn dịch là sắt, kẽm, đồng và selen.

Vitamin A

Một trong số các vitamin tăng khả năng miễn dịch là vitamin A. Chất này đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự toàn vẹn của niêm mạc đường hô hấp và đường tiêu hóa, làm vững chắc hàng rào bảo vệ tự nhiên của cơ thể. Khi thiếu vitamin A các biểu mô quá sản, sừng hóa, các tuyến giảm bài tiết, khả năng ngăn cản sự xâm nhập của vi khuẩn sẽ giảm đi.

Vitamin D

Vitamin D có liên quan đến các chức năng khác nhau của hệ thống miễn dịch, tiêu hóa, tuần hoàn và thần kinh. Hệ miễn dịch của cơ thể sẽ bị suy giảm khi cơ thể thiếu vitamin D. Nguyên nhân là cơ thể không được bảo vệ toàn diện, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm nhiễm ngoài da như lupus, mẩn ngứa,... hoặc có thể tạo điều kiện hình thành ổ viêm bên trong như bệnh viêm ruột, viêm khớp dạng thấp

Vitamin E

Vitamin này có tác dụng chống oxy hóa, bảo vệ vitamin A và chất béo của màng tế bào khỏi bị oxy hóa, tham gia vào chuyển hóa tế bào.Nhờ vậy, cơ thể sẽ tăng khả năng miễn dịch.

Một số bệnh lý có thể xảy ra khi bạn bị thiếu vitamin E như: tổn thương tế bào võng mạc, máu, thần kinh, cơ gây ra các bệnh lý thoái hóa võng mạc, thiếu máu, rối loạn thần kinh- cơ,...

Vitamin C

Vitamin C cần thiết cho sự phát triển bình thường các mô liên kết như sụn, xương, răng, cho sự bền vững của mao mạch và của da. Bên cạnh đó, chất này tham gia quá trình chuyển hóa- tổng hợp một số chất như catecholamin, hormon vỏ thượng thận, tăng tạo ra interferon, giúp tăng hấp thu chất sắt,...

Thiếu vitamin C kéo theo sự nhạy cảm với các bệnh nhiễm khuẩn tăng lên. Ghi nhận cho thấy, người bị nhiễm khuẩn thì vitamin C trong máu thường giảm. Thiếu chất này, tính thấm mao mạch tăng, mạch dễ vỡ, da khô ráp, suy giảm khả năng đề kháng, dễ bị nhiễm trùng.

Vitamin nhóm B

Nhóm vitamin này tham gia vào quá trình chuyển hóa, tổng hợp các tế bào tham gia vào các cơ chế miễn dịch. Thiếu các vitamin nhóm B đặc biệt thiếu folate và pyridoxin có thể làm giảm và trì hoãn phản ứng miễn dịch. Theo các chuyên gia, thiếu folate thường đi kèm thiếu sắt - hai yếu tố gây thiếu máu dinh dưỡng, thường gặp ở trẻ em và phụ nữ có thai

  • Sắt

Sắt cần thiết cho tổng hợp ADN và quá trình phân bào và tham gia quá trình tạo máu. Ngoài ra, chất này còn tham gia vào nhiều enzym can thiệp vào quá trình phân giải bên trong tế bào. Thiếu sắt (có hay không kèm thiếu máu) đều làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn. Thiếu sắt thường kèm theo thiếu protein - năng lượng, thiếu kẽm.

  • Kẽm

Kẽm tham gia vào hàng trăm enzym chuyển hóa trong cơ thể, giúp duy trì hoạt động bình thường của hệ thống miễn dịch, tăng cường miễn dịch, giúp vết thương mau lành, duy trì vị giác và khứu giác.

Khi thiếu kẽm tuyến ức nhỏ đi, các lympho bào giảm số lượng và kém hoạt động. Tình trạng này thường kèm theo thiếu protein, sắt và vitamin. Kẽm là coenzym của một số men như AND và ARN polymeraze, cũng như cacbonic anhydrate của hồng cầu.

  • Selen

Selen là một chất chống oxy hóa mạnh, giúp tăng cường khả năng chống nhiễm trùng cho cơ thể, tham gia kích hoạt một số enzyme trong hệ thống miễn dịch, giải độc. Thiếu selen, nhất là kèm theo thiếu vitamin E làm giảm sản xuất kháng thể.

  • Đồng

Cuối cùng đồng là coenzym, trẻ em thiếu đồng bẩm sinh (bệnh Menkes) thường chết do nhiễm khuẩn, nhất là bệnh viêm phổi.

Các loại thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất tăng khả năng miễn dịch

Theo các bác sĩ, cơ thể có thể không tự tổng hợp được một số vitamin và khoáng chất tăng khả năng miễn dịch. Do đó, bạn cần bổ sung các dưỡng chất này thông qua đường ăn uống và chế độ sinh hoạt lành mạnh. Cụ thể:

  • Vitamin A và tiền vitamin A có nhiều trong thịt, cá, trứng, gan, sữa, súp lơ xanh, rau chân vịt, khoai lang nghệ, bí ngô, cà rốt, cam, xoài chín, gấc...

  • Vitamin C có nhiều trong nhiều loại trái cây và rau tươi như: sơ ri, ổi, cam, quýt, bưởi, đu đủ, xoài, táo, nho, kiwi, cà chua, súp lơ, củ cải, rau ngót, ớt chuông, rau chân vịt...
  • Vitamin E có trong giá đỗ, rau mầm, hạt hướng dương, sản phẩm từ đậu nành, lúa mì...
  • Vitamin D có trong gan cá/ dầu gan cá, lòng đỏ trứng cá, hải sản và thực phẩm bổ sung vitamin D (sữa, ngũ cốc)...

  • Vitamin nhóm B có nhiều trong thịt, cá, gan, trứng, sữa, đậu đỗ, ngũ cốc, các loại hạt, rau lá xanh,...
  • Sắt có nhiều trong thịt, cá, gan, trứng, rau xanh, đậu đỗ... sắt từ nguồn động vật sẽ dễ hấp thu hơn sắt nguồn thực vật.
  • Kẽm có nhiều trong hàu, cá, hải sản, thịt gia cầm...
  • Selen có nhiều trong gạo nâu, gạo mầm, gạo mầm, rong biển, cá, tôm, hải sản...
  • Đồng gan, hàu, tảo xoắn, nấm Shiitake, các loại hạt, tôm hùm, rau xanh, sô cô la đen.

​​​​​​​​​​​​​​​​​​​​​

Hãy theo dõi Hạt Dưa Phước Thành để có thêm kiến thức, những công dụng tuyệt vời của những loại thực phẩm dinh dưỡng trong đời sống thường ngày bạn nhé.

Nguồn: Sưu tầm và chỉnh sửa bởi Hạt Dưa Phước Thành